Các nhà nghiên cứu Mỹ biến đổi một loại nhựa gia dụng thành keo tái sử dụng với khả năng kết dính tốt hơn nhiều keo dính thương mại có sẵn.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances, Tomonori Saito, nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Bộ Năng lượng (ORNL), và cộng sự mô tả quá trình sản xuất một vật liệu có khả năng chịu nhiệt tốt hơn cùng với đặc tính kết dính chặt chưa từng thấy, vượt xa nhiều keo dính thương mại hiện nay. Phương pháp của nhóm nghiên cứu bao gồm sử dụng một loại nhựa gia dụng mang tên SEBS, có trong nhiều đồ vật như ghi đông xe đạp, bàn chải,… Vật liệu này rất dễ sản xuất nhưng cần chỉnh sửa để có khả năng dính chắc.
Keo dính được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày và thường chia thành hai loại là keo dính chắc nhưng dễ vỡ và keo dính dẻo kết dính kém hơn nhưng có thể chịu áp lực tốt hơn. Trong tự nhiên, rất khó tìm ra vật liệu kết hợp đặc điểm của cả hai loại keo trên.
Nhóm nghiên cứu quyết định biến đổi cấu trúc hóa học của SEBS bằng cách sử dụng quá trình dynamic crosslinking. Phương pháp này bao gồm kết hợp vật liệu SEBS với hạt nano silica, được sử dụng để gia cố nhựa. Kết quả là một chất kết dính bền chắc đặc biệt. Nhóm nghiên cứu cho biết công trình của họ có thể giúp thiết kế chất kết dính tốt hơn dùng cho xe hơi, hàng không vũ trụ và ngành công nghiệp xây dựng.
Chất kết dính mới ổn định ở nhiệt độ cao và chịu được nhiệt độ từ -30 đến 200 độ C. Trong thí nghiệm, mẫu vật 1 cm2 có thể giữ được khối lượng lên tới 136 kg. Tuy nhiên, vật liệu còn một số hạn chế như cần xử lý 1 – 2 giờ ở nhiệt độ trên 200 độ C.
An Khang (Theo Newsweek)